Downloadsachmienphi.com

Tự Do Hay Là Chết

Tự Do Hay Là Chết - Nikos Kazantzakis
Tự Do Hay Là Chết –

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Tự Do Hay Là Chết –

Thủ lĩnh Mesen nghiến răng như mỗi lần một cơn uất giận xâm chiếm ông. Chiếc răng nanh bên phải thòi ra ngoài môi, sáng óng ánh trong màu đen của bộ ria mép. Ở Căng đi, người ta gọi ông là “Thủ lĩnh Lợn Lòi” và cái biệt danh ấy thật đúng với ông. Trong cơn giận, với cặp mắt tròn xoe và xám xịt, cái gáy ngắn ngủn cứng đờ, vóc dáng to và khỏe cùng cái răng nanh bướng bỉnh, ông thật giống một con lợn lòi nhìn thấy người, đang nổi khùng để lao tới.

Ông vò bức thư cầm trong tay rồi nhét vào chiếc thắt lưng rộng bằng lụa. Ông đã lõm bõm đọc mãi bức thư đó để cố tìm một ý nghĩa. “Nó lại sẽ không trở về năm nay. Lại một lần nữa, bà khốn khổ và con chị điêu đứng của nó ăn lễ Phục sinh không có nó ở nhà, bởi vì nó vẫn học, hình như thế…!” Không biết nó còn có thể học cái quái quỷ gì và học đến bao lâu nữa? Lẽ ra nó thú thật là nó xấu hổ trở về Crét vì đã lấy một con vợ người Do Thái… Thằng con xinh xẻo của anh, anh Kôxtarốx ơi, nó làm bẩn dòng máu chúng ta rồi! Ôi! Nếu anh còn sống! Anh sẽ tóm lấy nó cho em bằng cách nắm lấy một cẳng chân mà treo nó lên xà nhà, đầu lộn ngược, như một cái túi da đựng nước!”

Ông đứng dậy. Đó là một con người rất lực lưỡng, đầu chạm trần cửa hàng. Trong đà vụt đứng dậy, chiếc khăn quàng viền tua giữ mớ tóc rối của ông sổ tung ra. Ông cầm khăn, xoắn lại và quấn chặt chung quanh chiếc sọ lớn của ông. Rồi chỉ một cái nhảy, ông đã ra tận cửa và đứng lại đó để hít khí trời.

Chú học việc Saritôx ngồi dúm dó sau một cuộn dây thừng; một chú bé nông dân có những nét hung dữ, da nâu như một quả mận với đôi mắt sợ sệt và soi mói. Chú đảo mắt nhìn quanh: buồm, vải sơn, những xô sơn và nhựa đường, dây xiềng to, những chiếc neo và tất thảy đồ đi biển, nhưng chú khiếp sợ đến nỗi thật ra chú chỉ để ý đến ông chủ đang đứng che kín cả khung cửa và nhìn về phía cảng một cách giận dữ. Đó là chú nó, nhưng chú bé gọi ông ta, là “ông chủ” và nó sợ hãi run rẩy trước mặt ông. “Cứ như là mình không đủ bực bội tối nay, – thủ lĩnh Misen lầu bầu, – với cái thằng chó nó mời mình đến nhà nó. Nó muốn gì ở mình mới được chứ? Lại còn thêm mối lo nghĩ về thằng cháu này nữa! nó nhờ mình viết thư cho nó. Mình đã viết rồi. Quỷ tha ma bắt nó đi!” Ông nhìn về phía trái, thuyền, ghe, biển. Xa xa, nghe tiếng rì rầm của những bến cảng. Thương nhân, thủy thủ, lái thuyền, phu bốc hàng đi đi lại lại giữa những thùng dầu ăn và rượu vang, những đống quả minh quyết, xô đẩy nhau, mắng mỏ nhau, chất hàng lên xe, dỡ hàng trên xe xuống, vội vàng hối hả cho xong việc trước lúc mặt trời lặn và các cổng vào thành phố đóng cửa. Biển dềnh lên, càng sực mùi chanh thối, mùi quả minh quyết, mùi rượu vang và dầu ăn. Đứng trên kè, hai hay ba mụ người Mantơ đã đứng tuổi, áo quần lòe loẹt, nói lải nhải với giọng khàn khàn, vừa ra hiệu cho một chiếc tàu kéo lưới rê bụng phình đang trở về, cá đầy khoang.

Mặt trời đã xế và cái ngày cuối cùng này của tháng ba kết thúc. Gió bấc thổi lạnh buốt: khắp Căngđi đều rét, các ông chủ tiệm xoa xoa hai bàn tay vào nhau, đập đập chân và uống nước sắc lá đan sâm hay rượu rum cho ấm. Phía xa, tuyết rắc trắng chỏm núi Xtơrtumbula. Xa hơn nữa, ngọn núi đá đứng sững nơi tuyết đã cứng lại sáng óng ánh trong các khe nứt sâu khuất gió trông như một dải băng trắng đang trải ra. Nhưng phía trên là bầu trời chói lọi, trong trẻo và lấp lánh như ánh thép.

Thủ lĩnh Misen đưa mắt đăm đăm nhìn cái tháp lớn có tường dày và trang trí bằng những con sư tử có cánh kiểu Vơnidơ đứng sừng sững bên phải, ngay lối đi vào cảng. Căngđi được bao quanh bằng những thành luỹ đáng sợ được bảo vệ với những tháp xây dựng vào thời Vơnidơ bởi người Raia[1] theo đạo Cơ đốc đã từng được người Vơnidơ, người Thổ Nhĩ Kì và người Hi Lạp tưới đẫm máu của mình. Những con sư tử cẩm thạch cắp quyển kinh thánh trong móng vuốt của chúng và những chiếc búa của người Thổ Nhĩ Kì mà một đôi cái còn cắm vào đá của những vọng gác nhắc nhở cái ngày đẫm máu mùa thu, cái ngày sau nhiều năm dài vây hãm vô hy vọng, bọn Thổ đã chiếm thành phố Căngđi. Ngày nay cỏ dại, sung dại, gai, tầm ma mọc lan tràn giữa những tảng đá lở.

Thủ lĩnh Misen hạ tầm mắt xuống tận chân ngọn tháp lớn. Mạch máu căng lên trên thái dương và ông thở đài, Trong nền móng của ngôi tháp này, phía sau tường thành, nơi những ngọn sóng tới đổ nhào, có một hầm giam khốn kiếp, nơi những thế hệ tiếp những thế hệ chiến binh Cơ đốc đã chết gục, người bị xích. “Dù cứng cáp đến thế, thân thể người dân Crét không thể nào mang nổi linh hồn của mình. Không, nó không làm được điều đó… Ta giận Chúa Trời đã không để ý rèn đúc thân thể chúng ta bằng thép, cho dân Crét chúng ta, để giúp chúng ta kháng chiến, một trăm, hai trăm năm hay hơn nữa, cho đến lúc giải phóng hòn đảo này”.

Ông nghĩ tới thằng cháu đã xuất ngoại, đã Âu hóa và cơn giận lại trào lên. “Hắn đang học tập, hắn nói thế. Hắn còn có thể học cái gì mới được chứ! Thằng ấy cũng thế, hắn sẽ kết thúc giống như thằng chú giáo viên Pê-đơ-Lu của hắn thôi! Một con công, một gã thông thái rởm, một lão mang kính kẹp mũi!”

Ông khạc nhổ và nước bọt bắn tới tận cửa hàng nhỏ của ông Đimitơrốx, người bán cỏ thuốc, ở ngay trước mặt.

“Mày đã chịu khuất phục cái gì vậy, nòi giống tự hào của Misen lơ Phon, người ăn thịt bọn Thổ; mày, kẻ chưa bao giờ quỳ gối trước lũ áp bức!”

Người ông nội ghê gớm của ông, Misen lơ Phôn, sống lại trong ông, nguyên vẹn, tràn đầy sinh lực. Hễ cụ còn có con có cháu, thì đấng tổ tiên vinh quang đó thực sự vẫn là bất tử.

Đôi lúc, các bậc già cả ở Căngđi nhớ lại cụ, lang thang trên bến đảo, bàn tay to tướng làm mái che mắt và chờ đợi ở chân trời những chiếc tàu chiến “Mátxcơva” đến, như ông cụ nói. Chiếc mũ “phê” lớn đội lệch, cụ đi đi lại lại dọc theo những tường thành của Căngđi, tựa lưng vào cái tháp trời đánh và hát “Bài ca Mátxcơva” trước mặt bọn Thổ Nhĩ Kì. Người ta nói ông cụ có mớ tóc dài và bộ râu cằm dài, cụ đi ủng cao cột vào dây lưng và không khi nào rời ủng. Cụ cũng mặc áo sơ mi đen bởi vì Crét bị chinh phục đang chịu tang – và ngày chủ nhật, sau buổi cầu kinh, cụ đi dạo chơi với chiếc nỏ cũ của ông nội đeo ngang lưng và một cái ống đựng đầy tên. “Đấy, đấy mới là những người đàn ông – thủ lĩnh Misen vừa lẩm bẩm vừa nhíu đổi mày. Đấy mới là những người đàn ông, những người đàn ông thật sự, không phải là lũ đàn bà đớn hèn như lũ chúng ta! Các bà vợ của họ không có gì phải ganh với họ, các bà có lẽ còn ghê gớm hơn họ nữa. Hỡi ơi! Loài người suy đồi, loài người tụt xuống quá thấp!”.

Kỉ niệm lại sống dậy dạt dào; và, sau ông nội, bà nội của thủ lĩnh Misen xuất hiện, gầy giơ xương, man dại, móng tay dài gây gổ và đen sì vì cáu ghét. Lúc đã già quá rồi, bà cụ rời bỏ mảnh sân đầy đàn con cháu mà ra đi, ở ẩn trong một cái hang sâu phía trên làng, ở chân núi Iđa. Cụ ở lỳ trong đó suốt hai mươi năm trời. Mỗi buổi sáng, một trong những đứa cháu gái lấy chồng ở vùng đó, mang đến cho bà cụ một mẩu bánh mì đen, vài quả ô-liu và một bình rượu vang – còn nước thì bà cụ muốn bao nhiêu cũng có ở trong hang đá – và ngày lễ Phục sinh, hai quả trứng nhuộm đỏ để dâng Chúa Kitô. Mỗi buổi sáng, với mớ tóc dài và những móng tay vô tận, rách rưới, xanh xao, như yêu quái, bà lão xuất hiện trên ngưỡng cửa hang, thân hình co quắp, hai mắt đăm đăm nhìn mặt trời đang mọc, hai cánh tay da bọc xương vung vẩy rất lâu về phía mặt trời như tán tụng nó hay nguyền rủa nó. Rồi bà lại ngụp sâu vào trong lòng núi. Hai mươi năm ở ẩn. Và một buổi sáng đẹp trời, không thấy bà lão bước ra cửa hang. Thế là đã rõ. Người ta đi tìm ông linh mục trong làng, người ta đi vào hang với những cây đuốc cháy và tìm thấy bà cụ ở đó, lạnh ngắt, mình gập lại, trong một hốc đá chật hẹp như chiếc quan tài, một cây thánh giá trong bàn tay và cái đầu nêm chặt giữa hai đầu gối.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo